Hiển thị các bài đăng có nhãn hung 4. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hung 4. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

10 cách khắc phục chứng đau ruột thừa tại nhà

Một vài biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm cơn đau ruột thừa:

1.Nước ấm

Nước ấm có vai trò kép khi mắc bệnh viêm ruột thừa. Thứ nhất, nước ấm rất có lợi đối với sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Thứ hai, nước ấm giúp làm sạch ruột. Viêm ruột thừa là do sự tích tụ các chất độc. Uống nước giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể.

2.Đậu xanh

Đậu xanh là phương pháp điều trị viêm thuột thừa đã có từ lâu. Ngâm đậu xanh với nước để uống 3 lần mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe.

3.Sữa bơ

Sữa bơ giúp giảm đau do viêm ruột thừa. Bạn có thể thêm vào một chút muối vào sữa bơ khi uống. Uống hỗn hợp này 2-3 lần mỗi ngày sẽ nhận được hiệu quả tốt nhất. Sữa bơ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn ở ruột thừa, do đó giảm viêm ruột thừa.

đau ruột thừa

4.Tỏi

Tỏi cũng có tác dụng chữa viêm ruột thừa do tỏi có tính chống viêm. Bạn nên ăn vài tép tỏi sống. Tuy nhiên, nếu mùi tỏi quá khó chịu, bạn có thể sử dụng viên tinh dầu tỏi.

5.Gừng

Gừng cũng giống như tỏi, đều có tính chống viêm. Bạn có thể uống trà gừng nhiều lần trong ngày. Nếu mùi và vị gừng gây khó chịu, bạn có thể uống thuốc viên gừng. Xoa bóp bụng dưới bằng tinh dầu gừng cũng rất hiệu quả. Nên sử dụng gừng khi bệnh nhân có triệu chứng nôn.

6.Nước ép rau

Uống nước ép rau như nước ép dưa leo, củ cải đường, cà rốt, rau mùi và nước ép củ cải nhiều lần trong ngày giúp giảm cơn đau do viêm ruột thừa. Rau chứa nhiều vitamin và chất xơ có lợi cho sức khỏe. Vitamin đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chất xơ giúp điều trị táo bón.

7.Chanh

Nước chanh- mật ong hoặc nước chanh có vai trò quan trọng trong điều trị viêm ruột thừa. Chanh là nguồn cung cấp vitamin C tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hơn nữa, chanh còn giúp giảm đau và ngăn ngừa chứng khó tiêu, táo bón.

8.Húng quế

Lá húng quế làm giảm chứng khó tiêu, tăng cường hệ miễn dịch. Húng quế có các chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Các chất độc hại trong cơ thể, đặc biệt là ở ruột là nguyên nhân gây ra các vấn đề như viêm ruột thừa. Ngoài ra, húng quế giúp hạ sốt, một trong những triệu chứng của viêm ruột thừa.

9.Hạt cỏ cà ri

Uống trà làm từ hạt cỏ cà ri mỗi ngày giúp điều trị viêm ruột thừa. Cỏ cà ri có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành mủ và chất nhầy trong ruột thừa do đó tránh cho tình trạng viêm ruột thừa trở nên tệ hơn.

10.Mát-xa

Mát-xa vùng bụng dưới bằng tinh dầu như dầu thầu dầu có thể giúp giảm đau do viêm ruột thừa. Hơn nữa, bạn có thể sử dụng hỗn hợp gừng và nghệ để mát-xa.

BS. Tuyết Mai

(Theo Boldsky)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Nguyễn Thị Huệ (Bắc Giang)

Các triệu chứng của cảm cúm thông thường và cảm lạnh hay khiến chúng ta bị nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn. Dấu hiệu của bệnh cúm là sốt (có thể sốt cao). Nếu chỉ bị cảm lạnh, dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt. Nhức mỏi là dấu hiệu liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, cần nghĩ ngay đến bệnh cúm. Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm. Nếu thấy ớn lạnh thì đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi hãy nghĩ đến bệnh cúm nhiều hơn. Còn các triệu chứng như hắt hơi, nói bằng giọng mũi do nghẹt mũi, chảy nước mũi thì đích thị đó là bị cảm lạnh. Bị nặng, nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm khuẩn. Nếu các triệu chứng vừa nói ở trên như lạnh, ho, sốt tấn công cơ thể đột ngột và dồn dập với mức độ nặng tăng nhanh, đó là bệnh cúm.

Điều trị hai chứng bệnh này khác nhau. Do vậy để khỏi bệnh thì bạn nên đưa mẹ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định.

BS. Nguyễn Cường

Phòng ngừa bệnh lao cho trẻ em

Mặc dù số ca nhiễm lao hiện nay đã giảm so với trước kia, nhưng một số nhóm trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ cao mắc lao, bao gồm: Trẻ sống trong gia đình có người lớn đang bị nhiễm lao thể hoạt động. Trẻ bị nhiễm HIV hoặc một căn bệnh khác làm suy yếu hệ miễn dịch. Trẻ sinh ra tại khu vực có tỷ lệ mắc lao cao. Trẻ tới các khu vực đang có dịch lao và đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm lao tại đó. Trẻ sống tại những cộng đồng chưa có hệ thống chăm sóc y tế hợp lý.

Trẻ mắc lao thường là do lây nhiễm mầm bệnh từ người thân có bệnh lao. Đặc biệt, trẻ trong các gia đình nghèo, điều kiện sống khó khăn và ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm, khả năng mắc lao rất cao. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh lao ở trường học, ngoài cộng đồng. Bệnh lao ở trẻ em rất khó nhận biết vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng bệnh lao cho trẻ.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng bệnh lao cho trẻ.

Bệnh lao thường lây theo đường hô hấp khi một người bị thể lao hoạt động ho, hắt hơi làm các vi khuẩn lao phát tán trong không khí. Trẻ em hít phải các vi khuẩn này và bị nhiễm lao. Trẻ em dưới 10 tuổi bị lao phổi hiếm khi lây cho người khác bởi ở những đối tượng này số lượng vi khuẩn trong dịch tiết hô hấp còn khá ít.

Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu; lao cấp tính; lao hô hấp sau sơ nhiễm; lao phổi; lao màng phổi và lao ngoài phổi. Cho đến nay, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất.

Trong đa số trường hợp, trẻ bị phơi nhiễm với lao sẽ không bị phát triển thành thể lao hoạt động. Khi vi khuẩn vào phổi, hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động để chống lại chúng và ngăn không cho chúng lan rộng (lao sơ nhiễm). Những trẻ này bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không biểu hiện triệu chứng và có thể xác định bằng test phản ứng da. Tuy nhiên, nhóm trẻ này vẫn cần phải được điều trị để đề phòng lao sơ nhiễm phát triển thành dạng hoạt động về sau.

Lao phổi, lao cấp tính là những thể lao hay gặp nên cần phải quan tâm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ. Các dấu hiệu thường thấy đó là trẻ ho dai dẳng, khò khè kèm theo kém ăn, không tăng cân hoặc tăng cân rất ít. Trẻ lớn thì có những biểu hiện đau ngực, khó thở, ho đờm. Đây là những dấu hiệu mà phụ huynh cần đưa trẻ tới khoa hô hấp để khám.

Ngoài ra, những triệu chứng của tổn thương lao ngoài phổi cũng cần phải quan tâm, phát hiện những trường hợp bệnh nhân bị lao xương khớp. Bệnh nhân có những dấu hiệu như hạn chế vận động hoặc có kèm theo sốt, những triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc của lao. Đặc biệt quan tâm là lao đường hô hấp, những trường hợp trẻ có triệu chứng nghi lao đã được điều trị nhiều đợt nhưng vẫn không cải thiện thì phải nghĩ ngay đến nguyên nhân do lao để có những tiếp cận, chẩn đoán sớm cho trẻ.

Trẻ mắc lao dễ gặp biến chứng gì?

Bệnh lao ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tiến triển nặng hơn gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh và khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sưng hạch bạch huyết, sút cân và chậm phát triển thể chất. Trong một số rất ít trường hợp với trẻ em dưới 4 tuổi, vi khuẩn lao có thể lan vào máu tuần hoàn và gây nhiễm lao cho một số bộ phận khác của cơ thể. Nguy hiểm nhất là lao màng não - một căn bệnh ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Trẻ mắc lao nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không hết liệu trình sẽ rất nguy hiểm. Bệnh lao diễn tiến càng nặng dần, việc điều trị sẽ kém hiệu quả, tỷ lệ khỏi thấp, có những trường hợp bị kháng thuốc. Trong thực tế, đã có những trường hợp trẻ mắc đa kháng thuốc dẫn đến việc điều trị rất phức tạp. Nếu phát hiện muộn hơn nữa thì bệnh có thể lây lan ra toàn cơ thể, lao đa bộ phận và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Vậy nên việc phát hiện sớm để phòng những biến chứng, di chứng của bệnh là điều rất cần thiết.

Kiểm soát sự lây lan của bệnh lao

Để phòng bệnh lao cho trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ để phát triển khỏe mạnh. Trẻ suy dinh dưỡng là một trong những nhóm đối tượng nguy cơ mắc lao, bởi vậy, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Nếu trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn lao, bất kể trẻ có biểu hiện triệu chứng hay không cũng cần thiết phải cách ly trẻ với đối tượng đã lây bệnh cho trẻ. Thông thường, những người đã từng tiếp xúc gần với trẻ là những đối tượng có khả năng lây bệnh cao nhất. Nếu phát hiện có người lớn trong gia đình bị nhiễm lao: người đó nên được cách ly càng sớm càng tốt cho tới khi việc điều trị có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Tất cả các thành viên trong gia đình đã từng tiếp xúc với đối tượng đó nên được điều trị bằng isoniazid, bất kể là kết quả test trên da dương tính hay âm tính. Tất cả những người biểu hiện triệu chứng hoặc có hình ảnh chụp Xquang bất thường nên được điều trị dưới dạng thể lao hoạt động.

BS. XU N ĐỒNG

Thừa canxi có gây hại?

Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Ấn Độ, một người lớn Ấn Độ cần trung bình khoảng 1.000-1.300mg canxi mỗi ngày và 1.500-1.800mg canxi mỗi ngày với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu bạn hấp thu quá nhiều, dĩ nhiên, cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách này hay cách khác.

Chế độ ăn chứa canxi có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa sỏi thận và hấp thu canxi, tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa đi đến kết luận. Theo các nhà nghiên cứu, có tỷ lệ cao những người bổ sung nhiều canxi hoặc hấp thu nhiều canxi qua chế độ ăn bị sỏi thận. Tuy nhiên, canxi không phải là thủ phạm duy nhất, những người này cũng uống ít nước và hấp thu ít các loại khoáng chất cần thiết khác có thể dẫn tới thừa canxi trong cơ thể và từ đó hình thành sỏi thận.

Một số nghiên cứu cho thấy trên thực tế, hấp thu canxi thấp có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận lần đầu và ảnh hưởng tới sức khỏe xương. Nhưng đối với những người có xu hướng bị sỏi thận nhiều lần, họ được yêu cầu tuân theo một số biện pháp phòng ngừa chung như hạn chế hấp thu canxi, tăng cường uống nước. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy canxi niệu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận đặc biệt ở những người có cơ địa tạo sỏi. Thậm chí, với những người được điều trị sỏi thận, hấp thu vừa phải canxi qua chế độ ăn cũng tốt. Trong trường hợp này nên tránh các chế phẩm bổ sung canxi hoặc thảo luận với các bác sĩ trước khi sử dụng.

Giả thuyết khác là phụ nữ được dùng các chế phẩm bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of American Nutrition năm 2008, có mối tương quan nghịch giữa hấp thu canxi (qua chế độ ăn hoặc các chế phẩm bổ sung) và hình thành sỏi thận. Mặc dù các nghiên cứu có kết quả khác nhau, nhóm chuyên gia vẫn tin rằng hấp thu ít canxi, đặc biệt là với những người từng bị sỏi thận hơn 1 lần là tốt hơn.

Chế độ ăn nhiều canxi có làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch?

Một số nghiên cứu cho rằng thừa canxi có thể dẫn đến vôi hóa động mạch và tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không tìm thấy mối liên quan giữa hấp thu canxi và sức khỏe tim. Một nghiên cứu công bố trên tờ Osteoporosis International chỉ ra rằng sau 24 năm theo dõi, nguy cơ bị bệnh tim mạch ở những phụ nữ dùng các chế phẩm bổ sung canxi và những người không dùng là tương đương. Một giả thuyết khác là các chế phẩm bổ sung canxi không có vitamin D có thể dẫn tới kết quả tương tự.

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng bị bác bỏ sau khi một nghiên cứu khác cho thấy rằng bổ sung canxi có hoặc không có vitamin D không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của phụ nữ cao tuổi được khuyên bổ sung sau mãn kinh. Điều này không có nghĩa bạn không cần vitamin D để hấp thu canxi. Hấp thu đủ vitamin D là cần thiết để cơ thể hấp thu canxi.

Tóm lại, không có nghiên cứu nào kết luận rằng thừa canxi có thể gây nguy cơ. Những gì các chuyên gia lo lắng lúc này không phải là hấp thu thừa canxi mà là đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày. Các chuyên gia khuyến khích người dân ăn thực phẩm giàu canxi hoặc bổ sung canxi để đáp ứng nhu cầu cơ bản. Có rất ít nguy cơ bị thừa canxi qua chế độ ăn, trừ khi bạn uống hơn 1 lít sữa mỗi ngày. Nếu bác sĩ kê đơn bổ sung canxi, bạn cần kiểm tra việc hấp thu 2 tháng/lần để biết bạn không bị thừa.

Hà Ngân

(Theo THS)

Bạn có biết nguyên nhân gây ra tiêu chảy sau uống sữa?

Thường hai rối loạn vừa nêu có vẻ giống nhau, nhưng chúng khá khác nhau về cơ chế bệnh sinh và cả hai đều có thể gây tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa.

Nguyên nhân tiêu chảy sau khi uống sữa

1. Không dung nạp Lactose:

Khi thiếu chất lactase, một loại enzyme chịu trách nhiệm tiêu hóa lactose trong cơ thể. Những người không dung nạp lactose không thể tiêu hóa được lactose trong sữa, do đó thường bị tiêu chảy sau khi uống sữa.

Mặc dù tình trạng này không được xem là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng rất khó chịu, thường xuất hiện sau 15 phút đến 2 giờ sau khi uống sữa hoặc tiêu thụ thực phẩm khác có chứa lactose.

Các triệu chứng thông thường khác của không dung nạp lactose bao gồm: Đau bụng; Đầy bụng; Buồn nôn; Nôn; Đầy hơi.

 

Dị ứng sữa do không dung nạp lactose

 

2. Dị ứng sữa:

Dị ứng sữa xảy ra khi có thể có phản ứng với một protein có trong sữa, như chất whey hoặc chất casein. Tiêu chảy là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng sữa.

Trong khi sữa của bất kỳ động vật có vú nào cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng này, nhưng sữa bò là thủ phạm phổ biến nhất.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng từ 5 phút đến 3 giờ sau khi ăn hoặc uống thức ăn chứa sữa.

Các triệu chứng ngay lập tức có thể bao gồm: Khó thở; Nổi mề đay và nôn.

Ngoài tiêu chảy, các triệu chứng khác sẽ xuất hiện tiếp theo bao gồm: Đau bụng; Phân có máu; Chảy nước mũi; Ho; Phát ban da, thường thấy quanh miệng.

3. Khác biệt giữa sự không dung nạp lactose và dị ứng sữa:

Nếu bạn không dung nạp lactose, điều đó có nghĩa là bạn gặp khó khăn khi tiêu hóa đường có trong sữa. Đó là một vấn đề về hệ thống tiêu hóa.

Tuy nhiên, dị ứng sữa có liên quan đến hệ miễn dịch của bạn. Trong tình trạng này, kháng thể được gọi là globulin miễn dịch - IgE nhận diện các protein trong sữa như là chất lạ và cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, gây ra đáp ứng miễn dịch.

Tình trạng không dung nạp lactose và dị ứng sữa có vẻ giống nhau, nhưng thực sự rất khác nhau, bạn không nên tự chẩn đoán. Tiêu chảy sau khi uống sữa là một triệu chứng của cả hai rối loạn vừa nêu và chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được thuộc loại bệnh nào.

Làm thế nào để ngăn ngừa tiêu chảy gây ra bởi dị ứng sữa

Nếu bạn đang bị tiêu chảy sau khi uống sữa do dị ứng sữa, cách duy nhất là kiêng sữa. Do sữa là thành phần thường được sử dụng trong một số thực phẩm, nên có thể hơi khó.

Một số người có thể ăn một số sản phẩm làm bằng sữa nóng như thực phẩm nướng, hoặc sữa chế biến như sữa chua. Bác sĩ của bạn có thể giúp bạn xác định thực phẩm nào cần tránh xa.

Trong trường hợp bạn vô tình ăn một thứ gì đó có chứa sữa, hãy luôn giữ thuốc kháng histamine sẵn trong người để sử dụng ngay giúp ngăn chặn phản ứng và triệu chứng dị ứng.

Nếu dị ứng sữa trầm trọng, bạn có thể bị sốc quá mẫn. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sưng phù cổ họng và các đường dẫn khí, dẫn đến khó thở cấp. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp, bạn phải luôn luôn mang theo thuốc mà bác sĩ đã chỉ định để có thể xử trí cấp cứu ngay. Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở cấp cứu y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Web Md và New Health Advisor)

Đề phòng bệnh gan ở trẻ em

Khi nhắc đến bệnh gan, mọi người thường nghĩ đó là chứng bệnh của người trưởng thành. Thế nhưng các bệnh lý về gan xuất hiện ở trẻ em ngày một nhiều hơn và là nỗi lo lắng cho cả giới y khoa.

Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Gan được xem như là nhà máy hóa chất lớn nhất. Gan sản xuất ra dịch mật - dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đảm trách việc điều hòa nhiều phản ứng hóa sinh, những phản ứng này chỉ xảy ra ở một số tổ chức đặc biệt của cơ thể. Gan dự trữ chất dinh dưỡng, mỡ và vitamin, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tạo protein cho huyết tương và thải độc cho cơ thể.

Bệnh gan ở trẻ em là cụm từ chỉ các bệnh lý về gan thông thường ở trẻ như: nhiễm siêu vi viêm gan ( A, B, C...), bệnh gan di truyền hay bệnh gan chuyển hóa, nghẽn đường mật, gan nhiễm mỡ... Bệnh gan mắc phải thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em. Các bệnh gan phát hiện ở trẻ em thường do viêm nhiễm, di truyền, rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh mạn tính. Điều này chứng tỏ trẻ có thể mắc bệnh gan do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh hoặc do các vấn đề sức khỏe khác của bé.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh gan ở trẻ em gồm: Do trẻ chưa hoàn thiện về sinh lý của gan trong thời gian chu sinh và những thay đổi quan trọng của quá trình chuyển hóa của gan trong thời gian thơ ấu. Chính những thay đổi này ảnh hưởng sự tiếp xúc cũng như phản ứng lại khi cơ thể trẻ tiếp xúc với chất độc hay virut.Những biểu hiện khi trẻ mắc bệnh gan.

Những biểu hiện khi trẻ mắc bệnh gan.

Nhận biết trẻ em mắc bệnh gan

Trẻ có dấu hiệu bị vàng da, vàng mắt: Triệu chứng này không chỉ báo hiệu bệnh gan ở người lớn mà còn báo hiệu đối với cả trẻ nhỏ. Màu da và màu mắt thay đổi là do ứ đọng quá nhiều bilirubin trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tìm thấy trong mật và được sản xuất bởi gan. Có đến 60% trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, một em bé vài tháng tuổi lại cần chăm sóc y tế khi bị vàng da bởi đây là dấu hiệu của bệnh gan.

Có dấu hiệu sưng ở bụng và chi dưới: Nếu trẻ có dấu hiệu bị sưng ổ bụng (trướng bụng) và chi dưới thì rất có thể đã bị bệnh gan. Bình thường, trong ổ bụng không có nước khi giữa lá thành và lá tạng của màng bụng, vì một nguyên nhân nào đó, xuất hiện nước, gọi là hiện tượng cổ trướng.

Nước tiểu đậm màu: Nếu một bé khỏe mạnh nước tiểu sẽ có màu sáng. Còn đối với những bé có vấn đề về gan, nước tiểu trở nên đậm màu do có sự tích tụ của bilirubin trong máu. Nước tiểu sậm màu cũng là một dấu hiệu của sự mất nước. Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy được sự hiện diện của bilirubin. Khi bé được uống nhiều nước mà nước tiểu lại sậm thì nên đưa trẻ đi khám.

Dấu hiệu trong phân của trẻ: Những em bé khỏe mạnh sẽ bài tiết bilirubin qua phân. Đối với những bé có vấn đề về gan sẽ không thải bilirubin qua phân và khiến phân của bé nhạt màu hoặc màu trắng. Nếu phân của bé chứa máu hoặc dịch màu thì đây là dấu hiệu chứng tỏ bé đang có vấn đề về gan.

Dấu hiệu khác: Ngoài các dấu hiệu ở trên, nếu trẻ mắc các vấn đề về gan thì bé thường có cảm giác không ngon miệng, hay nôn trớ, ngủ khó đánh thức đôi khi còn hôn mê và không tăng cân trong thời gian dài.

Ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan có thể đe dọa sức khỏe trẻ em

Khi trẻ mắc bệnh gan mà không được điều trị, có thể biểu hiện như: tăng bilirubin máu, gan to, suy tế bào gan, xơ gan, nang gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc bệnh toàn thân do ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan. Các biểu hiện toàn thân do bệnh gan gây ra là: rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết. Rối loạn đông máu thứ phát do nồng độ các yếu tố phụ thuộc vitamin K thấp. Khi gan có bệnh sẽ không thải hết độc tố ra khỏi cơ thể, việc tiếp xúc độc tố kéo dài có thể gặp trong các bệnh: galactosemia hoặc fructosemia. Nhiễm trùng là nguyên nhân của bệnh gan hay là hậu quả thứ phát của suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa với biểu hiện xuất huyết dạ dày ruột trầm trọng.

Các biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh gan cho trẻ cần cho trẻ tiêm vắc-xin phòng viêm gan B ngay khi trẻ lọt lòng mẹ. Với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virut viêm gan b thì cần được tiêm thuốc dự phòng ngay khi mới sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cần cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Sữa mẹ đã được phát hiện có chứa hơn 1.000 loại dinh dưỡng, trong đó có 400 loại dinh dưỡng mà khoa học hiện nay không thể phục chế được. Nhưng ưu điểm của sữa mẹ không chỉ như vậy, hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện, nuôi con bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan ở trẻ em. Đồng thời, trong sữa mẹ còn chứa nhiều loại kháng thể để chống lại các virut. Do vậy, những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan do virut một cách hiệu quả.

Với trẻ lớn hơn cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thực phẩm. Mẹ cần chuẩn bị cho con khẩu phần ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa nguồn bệnh. Năng cho trẻ vận động ngoài trời để thích nghi với thời tiết và tăng khả năng phòng bệnh. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tiêu hóa ngay.

BS. Lê Anh

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vắc

Nguyên tắc sử dụng vắc-xin

Cần phải sử dụng đúng đường sử dụng, đúng vị trí, đủ liều, đúng liều. Các khuyến cáo về đường sử dụng, vị trí sử dụng và liều tiêm là dựa trên các bằng chứng khoa học từ các thử nghiệm lâm sàng, kinh nghiệm thực hành, và các cân nhắc về lý thuyết. Do đó không nên thay đổi các quy định đã được khuyến cáo về đường tiêm, thể tích mỗi liều tiêm, số liều tiêm và vị trí tiêm. Việc thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dẫn đến khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi mắc bệnh thấp.

PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW kiểm tra tủ lạnh bảo quản vắc-xin trong TCMR tại kho vắc-xin khu vực Tây Nguyên.

PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW kiểm tra tủ lạnh bảo quản vắc-xin trong TCMR tại kho vắc-xin khu vực Tây Nguyên.

Khoảng cách của các liều vắc-xin

Vắc-xin phải được tiêm theo đúng lịch, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối đa. Cố gắng bảo đảm khoảng cách giữa các mũi tiêm vắc-xin nếu có thể được. Khoảng cách giữa các mũi tiêm không được dưới khoảng cách quy định và không được sớm hơn thời điểm tiêm. Tuy nhiên việc khoảng cách các mũi tiêm lớn hơn theo quy định không làm giảm nồng độ kháng thể sau khi hoàn thành các mũi tiêm mặc dù hiệu lực bảo vệ có thể không đạt được cho đến khi đủ số liều theo quy định.

Nếu liều đầu tiên sớm hơn 5 ngày trước tuổi tiêm thì phải tiêm nhắc lại sau khi trẻ đạt tuổi tiêm theo quy định. Tiêm vắc-xin sống phải bảo đảm rằng khoảng cách tối thiểu là 28 ngày. Một số vắc-xin như vắc-xin bạch hầu, uốn ván có thể gây ra tỷ lệ phản ứng hệ thống tại chỗ nhiều hơn. Do đó cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng để có thể làm giảm các tỷ lệ phản ứng mà không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch. Ngoại trừ vắc-xin thương hàn uống, thì bất kì sự gián đoạn lịch tiêm nào đều không đòi hỏi tiêm lại từ đầu hoặc bổ sung 1 liều tiêm khác.

Tiêm đồng thời các loại vắc-xin

Ngoại trừ một số trường hợp, tiêm đồng thời các vắc-xin sống và bất hoạt sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vắc-xin riêng lẻ. Việc tiêm đồng thời tất cả các liều vắc-xin theo tuổi được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định tại thời điểm tiêm. Vắc-xin MMR và thủy đậu có thể tiêm đồng thời. Vắc-xin cúm sống giảm độc lực không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin thủy đậu và MMR.

Tiêm đồng thời vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm bất hoạt vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt mà không gây nên những phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Vắc-xin uốn ván, vắc-xin bạch hầu liều thấp, vắc-xin ho gà vô bào và cúm bất hoạt có thể được tiêm đồng thời. Vắc-xin viêm gan b được tiêm đồng thời với vắc-xin sốt vàng. Vắc-xin sởi và sốt vàng có thể tiêm đồng thời mà không có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các loại kháng nguyên. Tùy thuộc vào lịch tiêm chủng một đứa trẻ có thể được tiêm 9 loại vắc-xin khác nhau trong khoảng từ 2-15 tháng tuổi. Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm, những liều tiêm ban đầu nên hạn chế không nên quá nhiều mũi tiêm trong một lần trẻ đến tiêm.

Không có bằng chứng về vắc-xin bất hoạt có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của vắc-xin bất hoạt khác hoặc vắc-xin sống. Bất kì vắc-xin bất hoạt nào cũng có thể tiêm đồng thời hoặc bất kì lúc nào (trước hoặc sau) tiêm vắc-xin sống hoặc bất hoạt khác. Các vắc-xin sống có thể tiêm cùng lúc với nhau trong một lần đến tiêm, nếu không tiêm cùng lúc được thì phải tiêm cách nhau trên 4 tuần.

Vắc-xin kết hợp

Việc phối hợp nhiều vắc-xin có thể làm giảm số mũi tiêm và làm giảm những lo ngại liên quan đến nhiều mũi tiêm. Ích lợi của tiêm vắc-xin phối hợp bao gồm làm tăng tỷ lệ tiêm chủng, làm tăng tỷ lệ tiêm đúng thời gian ở những trẻ tiêm trễ, giảm chi phí về vận chuyển, bảo quản vắc-xin, giảm chi phí đi lại, tiêm chủng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa vắc-xin mới vào Chương trình Tiêm chủng.

Linh San

((Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN))

Dấu hiệu khi bị thoát vị đĩa đệm

Sau lần bị ngã (cách đây khoảng 2 tháng), tôi thấy cột sống vùng thắt lưng bắt đầu bị đau nhiều hơn. Thời gian gần đây chân phải cũng đau nhức dọc từ hông xuống gót chân; khi ngủ, chỉ cần thay đổi tư thế là đau. Xin hỏi, tôi mắc bệnh gì, chữa trị ở đâu?

Nguyễn Thanh Vinh (Thái Nguyên)

Theo những gì bạn mô tả có thể tạm kết luận: Bạn bị thoát vị đĩa đệm dẫn đến làm hẹp ống sống, đồng thời có kèm thêm tình trạng co rút cơ dựng sống, nên gây ra tình trạng đau khi cử động vùng cột sống. Triệu chứng của bệnh là đau dọc theo chân nhiều hơn đau thắt lưng, khi gắng sức hay trong một số động tác thấy đau rất nhiều ở mông và dọc chân; tê tùy vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, như tê mặt ngoài bàn chân và gót chân, mặt ngoài bắp chân hoặc mu bàn chân, mặt trước xương chày, mặt trước đùi. Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hoặc thần kinh điều trị. Các bác sĩ có thể sẽ cho làm một số xét nghiệm như chụp CT scanner hay MRI để xác định mức độ hẹp ống sống hay tình trạng chèn ép rễ thần kinh để từ đó có hướng xử trí thích hợp. Khi khám bệnh, thầy thuốc có thể phát hiện hội chứng chèn ép tủy hay rễ thần kinh. Các rễ thần kinh hay bị tổn thương là L3, L4, L5 hay S1 (thường chỉ bị một rễ thần kinh). Thông thường, các bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc paracetamol, tập vật lý trị liệu dưới nước. Nếu điều trị nội khoa đúng phương pháp và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý bạn sẽ khỏi bệnh. Khi những biện pháp này thất bại có thể dùng tới biện pháp giảm đau bằng kỹ thuật tiêm thấm các dẫn xuất của cortisone. Có thể dùng các dẫn xuất của opioide nhưng cần phải cẩn thận. Trong trường hợp nặng hơn khi có những tổn thương thần kinh nặng dẫn đến teo cơ, rối loạn tiêu tiểu có chỉ định phẫu thuật.

BS. Hải Nguyên

Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp

Nguyễn Văn Nam(Bắc Ninh)

Viêm ruột thừa là bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu chữa trị càng sớm càng tốt. Thời gian diễn tiến của bệnh thường rất nhanh chóng và nguy hiểm.

Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên nhất khi ruột thừa bắt đầu viêm. Đau thường bắt đầu từ rốn và tăng lên sau 6 -24 giờ. Cơn đau này lúc đầu hơi âm ỉ và khi bệnh trở nặng thì mới đau dữ dội mà không có dấu hiệu thuyên giảm kèm theo trướng bụng. Buồn nôn đi kèm với nôn kèm theo đau bụng vùng hố chậu phải và không giảm dần theo thời gian, đó có thể là viêm ruột thừa. Sợ thức ăn, hoặc không cảm thấy đói cũng là dấu hiệu phổ biến của viêm ruột thừa. Táo bón hoặc tiêu chảy. Sốt là dấu hiệu xuất hiện khá muộn và báo hiệu cho biết bệnh viêm ruột thừa đã chuyển sang giai đoạn khá nặng. Tuy nhiên, cơn sốt thường không quá cao, thông thường chỉ trong khoảng 37,2 - 38,30C nên rất nhiều người bệnh chủ quan. Co cứng thành bụng là một dấu hiệu của viêm ruột thừa khi kết hợp với các dấu hiệu khác.

Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên đi khám ngay bởi diễn tiến của viêm ruột thừa rất nhanh. Cơn đau sẽ tăng dần và ruột thừa có thể bị vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.

BS. Hữu Hạnh

Ổ chứa muỗi gây sốt xuất huyết song hành trong lẫn ngoài nhà!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và sẽ lưu hành lâu dài, có thể gây thành dịch. Một người trong đời có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 và nhiều lần sau đó.

Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch xung quanh nhà. Đồng thời, loài muỗi này cũng thích đậu trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các vật dụng trong nhà. Muỗi đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là sáng sớm và chiều tối.

Người dân vẫn quan niệm sai lầm khi ngừa sốt xuất huyết

Theo TS. Phu, “tổng vệ sinh như khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để phòng sốt xuất huyết” là một tuyên truyền còn thiếu sót, trên thực tế không phải như vậy vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thích đẻ nơi nước sạch.

Ổ chứa muỗi gây sốt xuất huyết song hành trong lẫn ngoài nhà!

Kiểm tra lăng quăng trong vật dụng chứa nước

“Trước đây, người ta thường cho rằng chỉ có khoảng 5 - 6 loại dụng cụ chứa nước, nhưng đến nay, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện ra vài ba chục dụng cụ chứa nước khác nhau. Đặc biệt qua khảo sát các tỉnh phía Nam, vật phế thải trở thành ổ chứa muỗi mang mầm bệnh rất đa dạng và người ta khó hình dung nổi, như: vỏ cơm hộp, vỏ dừa, thậm chí nước đọng trên một lớp đất trồng cây cũng có lăng quăng, hốc cây. Nhiều vật dụng trong nhà cũng là nơi muỗi đẻ như bình hoa, ly đựng nước trên bàn thờ, các chậu cây thủy sinh…” TS. Phu khuyến cáo.

Mưa nhiều, nhiệt độ trung bình trên 200C là điều kiện thuận lợi phát sinh đàn muỗi. Mưa nhiều, với dụng cụ chứa nước đa dạng như vậy, hết đợt muỗi này đến đợt muỗi khác, chúng ta vừa giải quyết đợt lăng quăng này lại đến đợt lăng quăng khác xuất hiện.

“Vì vậy, hàng tuần, chúng ta phải thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các loại thau rửa, dụng cụ chứa nước không sử dụng; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật phế liệu, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu hay ly vỡ, vỏ xe cũ, hốc cây, bẹ lá…”, TS. Phu hướng dẫn.

Dịch sốt xuất huyết vẫn còn phức tạp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng trên diện rộng, với 128 quốc gia có lưu hành bệnh, hơn 3,9 tỉ người sống trong vùng có nguy cơ bị mắc sốt xuất huyết. Hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc (hơn 69.000 ca nhập viện), với 24 ca tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 33,5%. Số ca mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (57,8%) và miền Trung (16,8%).

Theo các chuyên gia y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn các năm trước, tại khu vực miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

“Bên cạnh đó, môi trường tại các công trình xây dựng, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, sự chủ động phối hợp của người dân với các cơ quan như ngành Y tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa cao. Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch nên miễn dịch cộng đồng giảm”, TS. Phu tổng kết.

Biểu hiện của bệnh:Thể bệnh nhẹ:-Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.- Có thể có nổi mẩn, phát ban.Thể bệnh nặng:Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:- Dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Xử trí ho cho thai phụ

Ho có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn là một trong số các bất thường sức khỏe phụ nữ mang thai thường gặp. Ho trong khi mang thai có thể gây hại cho em bé hay không - đặc biệt là khi triệu chứng ho kéo dài? Mối liên quan giữa ho và phát triển thai nhi, các biện pháp phòng và xử trí ho trong thai kỳ… bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

Nguyên nhân gây ho trong thai kỳ

Thực tế không dễ dàng ngăn ngừa một cơn ho, vì bản chất của ho là phản xạ để làm sạch đường thở, loại trừ và tống xuất các chất kích thích và chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Có một số nguyên nhân gây ho thường gặp ở phụ nữ mang thai:

Do nhiễm virut, cảm cúm: Trong trường hợp này, bạn thường không cần dùng thuốc trị ho nếu do nhiễm virut gây ra hoặc cảm lạnh thông thường, bệnh thường thuyên giảm sau 1-2 tuần.

Phụ nữ thường dễ gặp tắc nghẽn mũi trong suốt thai kỳ và có thể gây ho. Sự gia tăng mức estrogen trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến sưng phù nề niêm mạc mũi góp phần làm tắc nghẽn mũi.

Do dị ứng, chất kích thích trong không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến đường thở gây ra ho. Khi bị dị ứng với côn trùng hoặc một số thực phẩm nhất định cũng gây ho. Do viêm họng, viêm phế quản: ho thường đi kèm với tăng tiết chất nhầy; Do bệnh hen phế quản: Bạn có thể bị khó thở đi kèm với ho; Do mắc bệnh ho gà: Là một bệnh nhiễm khuẩn, biểu hiện ho dữ dội. Do vậy, phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa vắc-xin phòng ho gà giữa tuần thứ 27 và tuần thứ 36 của thai kỳ, điều này cũng sẽ giúp bảo vệ em bé trong hai tháng đầu sau khi sinh.

Thai phụ có thể kê cao gối khi nằm, nâng cao đầu để giảm ho.

Thai phụ có thể kê cao gối khi nằm, nâng cao đầu để giảm ho.

Xử trí ho khi mang thai

Bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để kiểm soát tốt tình trạng ho và không dùng thuốc bằng cách: Uống đủ nước. Trong thời gian mang thai, bạn cần uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày và nhiều hơn, nước làm ẩm họng và đường hô hấp, làm dịu cơn ho và dễ tống xuất chất nhầy. Nếu bạn bị ho, khó chịu do ho, bạn có thể dùng nước ấm pha với chanh. Nước mật ong trộn với nước nóng cũng có thể giúp ích giảm ho.

Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, các chất kích thích tiềm ẩn như bụi, các sản phẩm làm sạch nhà cửa và vật dụng, nước hoa hoặc các chất gây dị ứng. Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và thêm nhiều trái cây và rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu bạn biết bạn đang ở xung quanh ai đó đang bị cảm cúm, nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Cố gắng rửa tay thường xuyên hơn khi bạn ở chung quanh những người bị cảm lạnh hoặc ho. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều trong thời gian mang thai. Các cơn ho của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống, bạn có thể kê cao gối khi nằm, giữ đầu của bạn nâng cao để giảm ho.

Sau khi thực hiện tích cực một số biện pháp điều trị tại nhà mà tình trạng ho không thuyên hoặc ho không cải thiện trong vài ngày, ho kèm sốt cao hơn 38oC (102oF), ho ra chất nhầy thay đổi màu sắc, hoặc ho đi kèm với đau ngực hoặc thở khò khè… bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sự thật là bạn có cảm nhận bụng di chuyển lên xuống trong khi ho, nhưng nó không làm tổn thương thai nhi về mặt thể chất. Do nước ối trong bào thai hoạt động như một lớp đệm, một chất hấp thụ và chống sốc để bảo vệ em bé khỏi bị rung lắc, chống lại tiếng ồn và áp lực do ho gây ra. Nếu bạn cảm thấy căng cơ bụng và rung lắc quá nhiều, bạn có thể sử dụng tay để giữ bụng và hỗ trợ vùng bụng dưới khi ho.

Mặc dù ho trong khi mang thai có thể không gây hại cho em bé, nhưng triệu chứng ho có thể cho biết các rối loạn sức khỏe tiềm ẩn ở cơ thể mẹ đang mắc phải như bệnh dị ứng, hen suyễn hoặc nhiễm khuẩn hô hấp. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và rõ ràng sẽ dễ ảnh hưởng đến em bé. Điều bạn cần lưu ý là hạn chế dùng thuốc giảm ho trong khi mang thai, ngay cả những loại thuốc cho bệnh cảm thông thường cũng không an toàn. Để tránh bị cảm lạnh hoặc ho, phụ nữ mang thai cần thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ dưỡng, ngủ đủ giấc, rèn luyện thể lực (tập thể dục) phù hợp, nhẹ nhàng, đều đặn. Đi khám thai định kỳ để được theo dõi, tầm soát, tiêm phòng, uống đủ liều các loại vitamin, acid folic và các chất cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.

BS. Nguyễn Hải Lê

Cách dập tắt cơn bốc hỏa!

Theo một thống kê có đến 75% số phụ nữ ở tuổi mãn kinh bị cơn nóng bừng (bốc hỏa). Trong đó nhiều người bị kéo dài trên 5 năm sau khi tắt kinh, một số người chỉ có dấu hiệu nhẹ và không thường xuyên, số khác lại có những biểu hiện rất nặng và nhiều lần mỗi ngày.

Những năm gần đây, các biểu hiện của thời kỳ mãn kinh (menopause) của phụ nữ được biết đến nhiều hơn do kết quả nghiên cứu về các tác hại của thuốc nội tiết tố estrogen và progesteron thường dùng điều trị cơn bừng bốc hỏa ở phụ nữ sau mãn kinh. Trong những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, cơn nóng bừng là một triệu chứng khó chịu nhất ảnh hưởng bất thường đến cảm giác và sức khỏe của phụ nữ. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy hai chất nội tiết tố nữ estrogen và progesteron dùng để điều trị cơn bốc hỏa rất hiệu nghiệm nhưng có thể gây tác hại cho sức khỏe, nên việc tìm những phương pháp khác để điều trị là một nhu cầu cấp thiết.

Nguyên nhân nào đã gây ra triệu chứng cơn bừng bốc hỏa, hiện nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Người ta chỉ cho rằng cơn bừng bốc hỏa là do những thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trong máu giảm, xảy ra vào thời kỳ mãn kinh.

Biểu hiện của cơn bốc hỏa

Sau khi mãn kinh, những phụ nữ bị cơn bừng bốc hỏa thường có các biểu hiện sau: Cơn nóng bừng làm phụ nữ cảm thấy một sức nóng có thể ít hay nhiều lan dần khắp người lên đến mặt; Mặt đỏ bừng; Da mặt, thân mình, tay, chân có từng đốm đỏ; Tim đập nhanh, vã mồ hôi; Cơn nóng bừng có thể kéo dài từ một vài phút đến nửa giờ, nhưng đa số sẽ hết sau khoảng 5 phút. Khi cơn nóng bừng dịu xuống, người cảm thấy lạnh. Cơn nóng bừng xuất hiện một cách bất thường, có thể nhiều lần trong một ngày hay vài ngày một lần, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Vào ban đêm, cơn nóng bừng xảy ra có thể làm phụ nữ mất ngủ. Có người chỉ bị cơn bừng bốc hỏa trên dưới một năm, nhưng người khác lại bị kéo dài trên 5 năm. Có người chỉ thấy những dấu hiệu nhẹ và ít cơn, số khác lại gặp những biểu hiện nặng và xảy ra nhiều cơn trong một ngày. Tuy nhiên có nhiều phụ nữ không hề có cơn bừng bốc hỏa xuất hiện trong suốt thời gian sau mãn kinh.

Chữa trị cơn bốc hỏa như thế nào?

Thực hiện một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của cơn bốc hỏa. Để điều trị cơn bốc hỏa, có thể áp dụng một hay nhiều phương pháp sau đây:

- Giữ mát cho cơ thể: Nếu tăng nhiệt độ của cơ thể, dù ít cũng có thể gây ra cơn bốc hỏa. Do đó phụ nữ cần giữ mát bằng cách ở trong phòng thoáng, mở cửa sổ hoặc sử dụng máy điều hòa hay quạt điện. Khi cảm thấy cơn nóng bừng sắp xuất hiện, có thể hạ nhiệt bằng cách uống nước lạnh và các cách làm mát cơ thể thông thường.

- Ăn uống hợp lý: Tránh các thức ăn cay nóng như tiêu, tỏi, ớt, rượu, bia, nước chè, cà phê..., kiêng hẳn những thức ăn nào làm cho cơ thể dễ bị nóng bừng.

- Thư giãn tinh thần: Luyện tập dưỡng sinh, tập rung động thư giãn, ngồi thiền, thực tập phương pháp thở sâu và điều hòa hằng ngày có thể làm giảm cơn bừng bốc hỏa.

- Luyện tập thể dục, vận động: Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ cần phải tập thể dục hằng ngày và nên tập những cử động làm nóng người và tim đập nhanh hơn, sẽ bớt cơn nóng bừng và ngủ ngon hơn. Có thể tập đi bộ khoảng trên 30 phút mỗi ngày. Tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh sẽ giúp phụ nữ luyện tập đều đặn, thường xuyên.

- Không hút thuốc: Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng cơn bốc hỏa. Ngưng hút thuốc còn làm giảm nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ, ung thư.

- Sử dụng thuốc để điều trị: Nếu áp dụng các phương pháp trên đây không kết quả, có thể dùng một vài thứ thuốc điều trị như sau: Estrogen là thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa cơn bốc hỏa, nhưng có nhiều tác hại. Một nghiên cứu sâu rộng cho thấy thuốc này có nhiều phản ứng phụ như làm tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư, đột quỵ. Tuy nhiên đối với trường hợp cơn bừng bốc hỏa quá nặng và không có nguy cơ về bệnh tim mạch, ung thư, có thể uống estrogen nếu lợi ích của việc dùng thuốc lớn hơn tác hại; Thuốc progesteron cũng rất hiệu nghiệm để chữa cơn bốc hỏa và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; Các thuốc khác: nhiều nghiên cứu cho thấy các thuốc dùng để chữa bệnh trầm cảm, tăng huyết áp có thể giúp giảm cơn bốc hỏa như: venlafaxine (Effexor XR), paxil, prozac, celexa... dùng với liều thấp có kết quả tốt.

Song các thuốc này không hiệu nghiệm bằng estrogen và cũng có những tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt hay rối loạn tình dục...; Clonidine là thuốc chữa tăng huyết áp, khi sử dụng có thể làm giảm số lần bị cơn bốc hỏa nhưng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón. Gabapentin là thuốc chữa cơn bừng bốc hỏa khá hiệu nghiệm nhưng có các tác dụng phụ như gây buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn.

BS. Trần Thục Anh

Khắc phục bệnh trĩ, cách gì?

(Ngonhatduyen94@gmail.com)

Trên lâm sàng, trĩ được chia ra trĩ nội và trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp, dựa vào vị trí của búi trĩ xuất phát từ lớp niêm mạc dưới đường lược hay trên đường lược. Có 4 độ trĩ (độ 1, 2, 3 và 4). Trĩ nội độ 1 thì không thấy búi trĩ sa ra ngoài nhưng bệnh nhân đi ngoài táo có thể thấy chảy máu tươi thành tia. Nguyên nhân gây bệnh thường do táo bón, do ngồi nhiều... Khi táo bón làm nứt kẽ hậu môn gây nhiễm khuẩn và đau, vì do đau nên người bệnh không dám đi đại tiện dẫn đến càng táo, tạo vòng luẩn quẩn. Để khắc phục tình trạng đau rát hậu môn, bệnh nhân cần rửa hậu môn sau mỗi lần đại tiện bằng nước ấm và hằng ngày, buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm hậu môn bằng nước muối loãng đủ ấm giúp da hậu môn mềm và nhanh liền vết nứt. Trường hợp của bạn trĩ nhe ̣ (độ 1) thì chỉ cần dùng thuốc uống và thực hiện chế độ ăn hợp lý bệnh sẽ hết. Điều quan trọng là phòng ngừa để bệnh không nặng thêm bằng thực hiện chế độ ăn hợp lý như uống nhiều nước (1,5-2 lít/ ngày), chế độ ăn nên chọn thực phẩm nhuận tràng như: rau lang, mồng tơi, khoai tây, khoai lang, cà rốt... Hạn chế chất cay như ớt, tiêu, ăn chất dầu mỡ phù hợp... Chú ý, lo lắng quá đôi khi cũng là nguyên nhân rối loạn co thắt đại tràng dẫn tới táo bón làm bệnh thêm trầm trọng.

BS. Trần Quang Nhật

Loại bỏ nguy cơ hiếm muộn do bệnh quai bị: Cách gì?

Lớp trẻ (thanh thiếu niên) không thể xem thường bệnh quai bị vì bệnh có thể gây biến chứng vô sinh. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan theo đường hô hấp. Khi cơ thể chưa có kháng thể chống lại virut quai bị thì rất dễ mắc bệnh. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác đề phòng bệnh phát triển thành dịch.

Đặc điểm của bệnh là gì?

Bệnh quai bị do một loại virut Rubulavirus thuộc họ Paramyxovirus gây nên. Bệnh khởi đầu là viêm tuyến nước bọt (tuyến mang tai). Thời kỳ ủ bệnh khoảng vài ba tuần. Bệnh khởi phát có sốt cao đột ngột (38 - 390C) kèm theo đau đầu, mệt mỏi toàn thân, chán ăn, ngủ kém, rất dễ nhầm với viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp tính. Sốt cao kéo dài từ 1 - 3 ngày, tuyến nước bọt bị sưng to và sau vài ngày tiếp tục sưng tuyến nước bọt còn lại. Đặc điểm của sưng tuyến nước bọt là sưng 2 bên nhưng kích thước không đối xứng (một bên sưng to, một bên có thể nhỏ hơn). Tuyến nước bọt sưng to có thể làm cho cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt, kèm theo nhai khó, nuốt khó. Da vùng tuyến nước bọt sưng, căng, bóng, không đỏ nhưng khi sờ vào vùng da đó thấy nóng và bệnh nhân kêu đau. Sốt thường kéo dài trong vòng 10 ngày sẽ giảm và tuyến nước bọt bắt đầu giảm sưng, đau. Đặc điểm nổi bật của viêm tuyến nước bọt do virut quai bị là không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn khác), đây là một đặc điểm rất cần được lưu ý trong chẩn đoán bệnh quai bị.

Bệnh quai bị thường kèm theo sưng tuyến mang tai.

Ngoài viêm tuyến nước bọt, sau khoảng 5 - 7 ngày có thể viêm tinh hoàn (nam giới), buồng trứng (nữ giới). Viêm tinh hoàn do virut quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành (thanh thiếu niên), tỷ lệ bị viêm tinh hoàn khoảng từ 10 - 30%. Viêm tinh hoàn thường xảy ra một bên (tỷ lệ viêm tinh hoàn 2 bên gặp ít hơn). Khi bị viêm tinh hoàn, sẽ sốt trở lại, đôi khi thân nhiệt còn tăng hơn lúc ban đầu của viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn sưng to, đau, khi sờ vào tinh hoàn thấy mật độ chắc và nhìn thấy da bìu bị phù nề rõ rệt, căng, bóng, đỏ. Ngoài ra, có thể xuất hiện viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh hoàn, thậm chí xuất hiện tràn dịch màng tinh hoàn trong những trường hợp bệnh nặng. Viêm tinh hoàn kéo dài từ 3 - 5 ngày sẽ hết sốt. Tinh hoàn cũng giảm dần độ sưng nề và giảm đau cho đến 3 - 4 tuần lễ sau đó mới hết sưng và hết đau hẳn.

Điều đáng lo ngại nhất của viêm tinh hoàn là biến chứng teo tinh hoàn. Muốn biết có bị teo tinh hoàn hay không phải theo dõi một thời gian dài khoảng vài tháng mới có thể biết chắc chắn. Tỷ lệ teo tinh hoàn do virut quai bị gây ra rất thấp (khoảng 0,5%). Nếu teo tinh hoàn một bên, mọi chức năng của tinh hoàn còn lại vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi đã bị teo cả 2 bên tinh hoàn sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh dục, sinh sản và gây vô sinh.

Ngoài ra, một số biến chứng như viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu, tuy không nhiều nhưng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh cho nên cần hết sức cảnh giác.

Nguồn lây bệnh quai bị là người đang mắc bệnh quai bị lây cho người lành chưa có kháng thể chống virut quai bị và lây theo đường hô hấp.

Khi nghi là bị bệnh quai bị, nên đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác, từ đây sẽ được chỉ định điều trị và có những tư vấn rất quan trọng trong đó bao gồm cho bản thân người bệnh và cả bảo vệ cho người lành có nguy cơ mắc bệnh quai bị. Đặc biệt, người có viêm tinh hoàn (nam giới) hoặc buồng trứng (nữ giới) cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, không vận động mạnh và ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ khám bệnh (thường là thuốc hạ nhiệt, giảm đau, thuốc chống viêm và vitamin B, C…). Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước (vì sốt làm mất nước). Tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh quai bị tối thiểu 10 ngày. Với người bệnh viêm tinh hoàn, cần mặc quần sịp giúp treo nhẹ tinh hoàn lên.

Cần làm gì để không bị bệnh quai bị tấn công?

Cần cách ly người bệnh với người lành (nhất là đối tượng có nguy cơ cao) ít nhất 10 ngày. Người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế đến mức tối đa virut lây sang người chăm sóc, từ đó chúng lây cho người lành khác. Đối với đối tượng có nguy cơ cao (thanh, thiếu niên, người chưa có miễn dịch chống virut quai bị), cần tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để tạo cho cơ thể có đủ kháng thể đặc hiệu chống lại virut quai bị một cách chủ động mỗi khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

BS. Việt Thanh

Tiểu ra máu ở người cao tuổi: Coi chừng trọng bệnh!

Tiểu ra máu gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng ở người cao tuổi (NCT) khi có tiểu ra máu cần phải hết sức cẩn thận vì có thể là trọng bệnh.

Nguyên nhân gây tiểu máu ở NCT

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu máu như nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, chấn thương, do dùng thuốc (rifamicin, heparin, aspirin, vitamin K...), các bệnh về máu, suy thận, u thận, u bàng quang, u tiền liệt tuyến, đặc biệt là u do ung thư với NCT là cần hết sức lưu ý (ung thư thận, bàng quang, tiền liệt tuyến). Trong các nguyên nhân gây tiểu ra máu thì nhiễm khuẩn đường niệu là nguyên nhân số một gây tiểu ra máu, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn ngược dòng từ niệu đạo đi lên, ngoài ra còn có thể do nhiễm khuẩn huyết gây ra. Tiểu ra máu gặp trong lao thận cũng là một triệu chứng điển hình. Tiểu máu ở NCT còn có thể gặp ở các trường hợp sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và thậm chí sỏi kẹt ở niệu đạo). Ngoài ra, một số nguyên nhân gây tiểu máu do giun chỉ, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc ngộ độc hóa chất...

Ung thư tuyến tiền liệt cũng là một nguyên nhân gây tiểu ra máu.

Dấu hiệu nhận biết

Có hai loại tiểu ra máu ở NCT, tiểu ra máu đại thể và tiểu ra máu vi thể. Tiểu máu đại thể là tiểu máu mà mắt thường có thể nhìn thấy được (cả bệnh nhân, người nhà và thầy thuốc) nước tiểu có màu đỏ. Đây là hiện tượng có hồng cầu trong nước tiểu (khi số lượng hồng cầu nhiều, nước tiểu có màu đỏ hồng hoặc đỏ tươi). Tiểu máu vi thể là tiểu ra máu nhưng mắt thường không nhìn thấy được hồng cầu, vì vậy, người bệnh, thầy thuốc không nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ. Tiểu máu vi thể chỉ được phát hiện hồng cầu thông qua xét nghiệm nước tiểu (soi cặn nước tiểu bằng kính hiển vi quang học). Thông thường khi bị tiểu ra máu thì còn có các triệu chứng khác kèm theo, tùy theo nguyên nhân gây tiểu máu. Ung thư thận hoặc ung thư tiền liệt tuyến thường có các triệu chứng gần giống nhau. Khởi bệnh là tiểu có máu kèm theo đau hông lưng, sụt cân, mệt mỏi, đôi khi có sốt, thường gặp ở người trên 50 tuổi và nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi tiết niệu, nhất là sỏi niệu quản còn có cơn đau thắt lưng âm ỉ, lâm râm hay cơn đau quặn thận, nếu có nhiễm khuẩn thì kèm theo có sốt. Lao thận, ngoài đái máu còn có sốt về chiều, sút cân, mệt mỏi, chán ăn. Nhưng với NCT khi bị ung thư thận hoặc ung thư bàng quang thì các triệu chứng thường không điển hình, không rõ ràng. Người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, đau tức vùng hạ vị và đi tiểu ra máu. Lúc đầu chỉ có tiểu máu vi thể nên bệnh nhân không để ý mà tình cờ xét nghiệm nước tiểu khi khám bệnh định kỳ. Thông thường cần xét nghiệm nước tiểu (nước tiểu toàn phần và soi cặn), nuôi cấy nước tiểu xác định vi khuẩn và làm kháng sinh đồ (nếu nghi có nhiễm khuẩn tiết niệu), nội soi bàng quang, siêu âm, chụp Xquang, chụp UIV, CT hệ tiết niệu. Trong trường hợp tiểu máu nghi do ung thư tiền liệt tuyến thì ngoài các xét nghiệm và cận lâm sàng nêu trên có thể xét nghiệm chỉ số PSA trong máu.

Nguyên tắc điều trị và dự phòng

Điều trị tiểu máu cần dựa vào nguyên nhân. Nhiều trường hợp tiểu máu biết được nguyên nhân thì công việc điều trị hoàn toàn chủ động và có hiệu quả cao (sỏi tiết niệu, nhiễm khuẩn tiết niệu). Tuy vậy, một số trường hợp tiểu máu tuy xác định được căn nguyên gây tiểu máu nhưng kết quả điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố (ung thư thận, lao thận, ung thư tiền liệt tuyến, các bệnh về máu). Trong khi đó có một số trường hợp xác định chắc chắn căn nguyên gây tiểu máu, khi được can thiệp thì sẽ chấm dứt tiểu máu ngay (tiểu máu do thuốc thì ngưng dùng thuốc) hoặc tiểu máu do dùng sai nhóm máu (ngưng truyền máu). Cần vệ sinh cá nhân hàng ngày để tránh mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bởi vì, NCT tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu khá cao, với nhiều lý do khác nhau nhưng viêm đường tiểu ngược dòng là hay gặp nhất. Cần tập thể dục, vận động cơ thể tránh trì trệ để hạn chế viêm tiền liệt tuyến (nam giới). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (từ 1,5 - 2 lít) để lưu thông đường tiểu tốt, tránh sỏi tiết niệu.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Bài thuốc trị tiểu ra máuBài thuốc trị tiểu ra máuTiểu ra máu: Bệnh gì?Tiểu ra máu: Bệnh gì?Món ăn cho người đi tiểu ra máuMón ăn cho người đi tiểu ra máu

Sơ cấp cứu nạn nhân trong đám cháy thế nào?

Theo TS. Nguyễn Như Lâm, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, trong các vụ cháy, nạn nhân rất dễ bị ngộ độc bởi khói độc tạo ra trong đám cháy. Khi luồng khói sộc thẳng vào mặt có thể khiến nạn nhân ngất xỉu ngay tại chỗ. Nạn nhân của các vụ cháy cũng có nguy cơ bỏng đường hô hấp rất cao. Bởi trong các vụ cháy, nhiệt độ lên quá cao khi hít phải khí nóng sẽ gây tổn thương niêm mạc, đường thở từ mũi, miệng đến phổi.

Trường hợp bị bỏng chân, tay... cần xối nước vào vết bỏng trong 15-20 phút để giảm đau rát và độ sâu của vết thương.

Trường hợp bị bỏng chân, tay... cần xối nước vào vết bỏng trong 15-20 phút để giảm đau rát và độ sâu của vết thương.

Nạn nhân bị thương sau khi sơ cứu tại chỗ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Nạn nhân bị thương sau khi sơ cứu tại chỗ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Tình trạng bỏng hô hấp sẽ khiến người bệnh nhanh chóng bị phù nề. Trong đám cháy, lượng ôxy đang thiếu lại càng trở nên thiếu hơn do người bệnh khó thở. Quá trình này kéo dài sẽ khiến người bệnh ngộ độc do thiếu ôxy, ngất xỉu. Theo TS. Lâm, bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân bị bít tắc đường thở do đờm dãi, do niêm mạc hoại tử và bong ra rơi vào đường thở dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị viêm phổi, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tỷ lệ tử vong 80%.

BS. Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bỏng - BVĐK Xanh Pôn cho biết, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm giảm lượng khói hít vào thấp nhất có thể. Không sử dụng thang máy, nên thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ.

Cấp cứu nạn nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Cấp cứu nạn nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Về nguyên tắc sơ cứu nạn nhân ngạt khói, cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản để hạn chế di chứng.

“Với tất cả những trường hợp bỏng hô hấp cần được xử trí kịp thời, trước tiên là tách bệnh nhân ra khỏi môi trường nhiệt nóng của đám cháy. Hãy đưa bệnh nhân ra nơi thoáng ký, thở ôxy ngay để thải khí CO và cyanide ra khỏi cơ thể. Tại BV, bác sĩ sẽ khám xem xét có cần nội soi đường thở để hút đờm dãi, chẩn đoán mức độ bỏng hô hấp để điều trị”- BS. Thống cho biết.

Còn với những nạn nhân đã thoát ra khỏi đám cháy, TS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai) khuyến cáo: Chỉ cần hít phải khói độc trong đám cháy, người dân không nên chủ quan mà phải đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh thì phải đến bệnh viện ngay.

Khi bị ngứa chỗ không muốn... gãi

Ngứa là hiện tượng thông thường ai cũng đã từng bị, có thể gặp ở mọi nơi, mọi chỗ trên cơ thể, kể cả ở… hậu môn. Đó có thể là một tình trạng tạm thời hoặc có thể kéo dài và gây khó chịu. Một số người may mắn chỉ bị trong một thời gian ngắn rồi tự nhiên hết. Nhưng có trường hợp bệnh có thể kéo dài hết năm này tháng khác, gây phiền toái, rắc rối, lo âu cho người bệnh.

Vì sao nên nỗi?

Hậu môn chứa rất nhiều dây thần kinh nên rất nhạy cảm và dễ bị đau hoặc ngứa. Vì thế, gần như bất cứ một dữ kiện hoặc bệnh tật nào cũng có thể gây ngứa hậu môn nếu vì một lý do nào đó hậu môn hoặc lớp da chung quanh hậu môn bị kích thích, cọ sát không ngừng.

Táo bón và tiêu chảy là một trong những nguyên nhân thường xuyên nhất đưa đến bệnh ngứa hậu môn. Khi táo bón quá hoặc khi bị tiêu chảy liên tục, một ít phân sót lại có thể làm viêm lớp da non xung quanh hậu môn. Lâu dần, lớp da này bị lở loét hoặc nứt. Một khe nứt hậu môn là một vết sâu hơn. Một lỗ rò hậu môn là một đường hầm nhỏ mà các tổ chức dưới da và một tuyến lưu thông trước đây bị nhiễm bệnh qua đường hậu môn tới da trên mông bên ngoài hậu môn. Tất cả 3 lý do trên có thể gây ra ngứa hậu môn cũng như đi tiêu đau và chảy máu. Sử dụng quá nhiều hoặc sử dụng không đúng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến tiêu chảy mạn tính và nguy cơ kích ứng gây ngứa hậu môn.

Da khô và ẩm cũng là thủ phạm. Khi tuổi cao, da trong và xung quanh hậu môn dễ bị khô. Khô da có thể gây ngứa dai dẳng, dữ dội hậu môn. Tuy nhiên, khi độ ẩm xung quanh hậu môn do ra mồ hôi quá nhiều hoặc nguyên nhân khác gây ẩm, phân dính cũng có thể gây được kích thích.

ngua hau monMột khe nứt hậu môn hay một lỗ rò hậu môn có thể gây ra ngứa hậu môn.

Lau rửa quá nhiều: lau quá nhiều với đồ khô, giấy vệ sinh hoặc chà kỹ quá mạnh với xà phòng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm ngứa hậu môn. Không rửa sạch hoàn toàn xà phòng cũng có thể gây kích ứng.

Một số loại xà phòng, nước hoa, vòi sen và các sản phẩm ngừa thai có chứa hóa chất có thể gây kích ứng da trong và xung quanh hậu môn. Chất tạo mùi thơm hoặc tạo màu giấy vệ sinh có thể kích thích cho những người có làn da nhạy cảm.

Bệnh lây truyền đường tình dục cũng có thể liên quan đến hậu môn và có thể gây ngứa hậu môn. Ở trẻ em, ký sinh trùng (giun kim) có thể gây ra ngứa hậu môn dai dẳng. Người lớn trong cùng một gia đình cũng có thể bị nhiễm bệnh, ký sinh trùng khác có thể gây ngứa tương tự.

Thực phẩm gây kích ứng: Một số thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp có thể kích thích hậu môn khi đi qua ruột già. Thủ phạm thường gặp bao gồm chocolate, rượu, cà chua, đồ uống bao gồm sữa hoặc thức uống có cafein có thể gây ra tiêu chảy, tiếp theo là ngứa hậu môn.

Đi tìm giải pháp

Điều trị ngứa hậu môn phụ thuộc vào nguyên nhân của vấn đề. Nó có thể bao gồm các biện pháp tự chăm sóc, thay đổi chế độ ăn uống, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hoặc có thể phải phẫu thuật (hiếm khi) để cải thiện.

Thuốc có thể trợ giúp bao gồm: thuốc mỡ chứa hydrocortisone hoặc oxide kẽm. Thoa thuốc vào vùng bị ảnh hưởng để giảm viêm và ngứa. Nếu các triệu chứng nặng hơn vào ban đêm, bác sĩ cũng có thể kê một loại thuốc kháng histamin để giảm ngứa cho đến khi điều trị tại chỗ có hiệu lực.

Với điều trị đúng, các triệu chứng ngứa hậu môn sẽ khỏi trong vòng chưa đầy 1 tuần. Nếu vẫn tiếp tục ngứa hơn một vài tuần (có thể liên quan đến một bệnh về da hay vấn đề sức khoẻ khác), cần phải đến bác sĩ để tìm giải pháp điều trị thích hợp.

Những điều nên tránh

Tránh lau quá nhiều hoặc quá lâu sau mỗi lần đi cầu. Đừng dùng quá nhiều xà bông để rửa hậu môn. Không nên kỳ cọ một cách quá mạnh tay. Tuyệt đối không nên gãi vì gãi sẽ kích thích da vùng tổn thương và dẫn đến viêm dai dẳng. Nếu không thể chịu đựng được ngứa, hãy áp một vật lạnh hoặc tắm ấm để cảm thấy đỡ ngứa. Tìm mọi cách nghĩ sang việc khác.

Tránh các chất kích thích, nhất là các loại thực phẩm có nhiều gia vị, chất cay, chua… Cắt giảm hoặc tránh đồ uống hoặc thức ăn biết sẽ kích thích khu vực hậu môn.

Lời khuyên của thầy thuốcKhông nên mặc quần áo quá chật. Tránh mặc quần lót bằng chất nylon. Thay đổi đồ lót hàng ngày và bất cứ khi nào bẩn.Da xung quanh hậu môn có thể nhạy cảm với giấy vệ sinh có chứa thuốc nhuộm hoặc nước hoa. Sử dụng giấy vệ sinh không mùi. Có thể làm ẩm hoặc làm thêm mềm mại cho thoải mái.Nên giữ hậu môn cho khô. Sau khi làm sạch, vỗ nhẹ với khăn giấy vệ sinh khô. Hoặc khô hoàn toàn với một máy sấy tóc. Bột talc hoặc bột bắp cũng có thể giúp giữ cho khu vực khô.Nếu dùng thuốc, chỉ nên thoa thật ít và đúng như hướng dẫn của bác sĩ.

BS. Đỗ Hoà

10 cách khắc phục chứng đau ruột thừa tại nhà

Một vài biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm cơn đau ruột thừa: 1.Nước ấm Nước ấm có vai trò kép khi mắc bệnh viêm ruột thừa. Thứ nhất, nướ...