Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và sẽ lưu hành lâu dài, có thể gây thành dịch. Một người trong đời có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 và nhiều lần sau đó.
Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch xung quanh nhà. Đồng thời, loài muỗi này cũng thích đậu trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các vật dụng trong nhà. Muỗi đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là sáng sớm và chiều tối.
Người dân vẫn quan niệm sai lầm khi ngừa sốt xuất huyết
Theo TS. Phu, “tổng vệ sinh như khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để phòng sốt xuất huyết” là một tuyên truyền còn thiếu sót, trên thực tế không phải như vậy vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thích đẻ nơi nước sạch.
Kiểm tra lăng quăng trong vật dụng chứa nước
“Trước đây, người ta thường cho rằng chỉ có khoảng 5 - 6 loại dụng cụ chứa nước, nhưng đến nay, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện ra vài ba chục dụng cụ chứa nước khác nhau. Đặc biệt qua khảo sát các tỉnh phía Nam, vật phế thải trở thành ổ chứa muỗi mang mầm bệnh rất đa dạng và người ta khó hình dung nổi, như: vỏ cơm hộp, vỏ dừa, thậm chí nước đọng trên một lớp đất trồng cây cũng có lăng quăng, hốc cây. Nhiều vật dụng trong nhà cũng là nơi muỗi đẻ như bình hoa, ly đựng nước trên bàn thờ, các chậu cây thủy sinh…” TS. Phu khuyến cáo.
Mưa nhiều, nhiệt độ trung bình trên 200C là điều kiện thuận lợi phát sinh đàn muỗi. Mưa nhiều, với dụng cụ chứa nước đa dạng như vậy, hết đợt muỗi này đến đợt muỗi khác, chúng ta vừa giải quyết đợt lăng quăng này lại đến đợt lăng quăng khác xuất hiện.
“Vì vậy, hàng tuần, chúng ta phải thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các loại thau rửa, dụng cụ chứa nước không sử dụng; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật phế liệu, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu hay ly vỡ, vỏ xe cũ, hốc cây, bẹ lá…”, TS. Phu hướng dẫn.
Dịch sốt xuất huyết vẫn còn phức tạp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng trên diện rộng, với 128 quốc gia có lưu hành bệnh, hơn 3,9 tỉ người sống trong vùng có nguy cơ bị mắc sốt xuất huyết. Hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc (hơn 69.000 ca nhập viện), với 24 ca tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 33,5%. Số ca mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (57,8%) và miền Trung (16,8%).
Theo các chuyên gia y tế dự phòng và Viện Pasteur TP.HCM, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn các năm trước, tại khu vực miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
“Bên cạnh đó, môi trường tại các công trình xây dựng, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, sự chủ động phối hợp của người dân với các cơ quan như ngành Y tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa cao. Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch nên miễn dịch cộng đồng giảm”, TS. Phu tổng kết.
Biểu hiện của bệnh:Thể bệnh nhẹ:-Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.- Có thể có nổi mẩn, phát ban.Thể bệnh nặng:Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:- Dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét